Thực trạng ngành Logistics tại Việt Nam và thế giới

Thực trạng ngành Logistics tại Việt Nam và thế giới

Dịch vụ vận tải và logistics đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của bất kì quốc gia nào. Với những biến động lớn trong giai đoạn gần đây, ngành Logistics thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều cơ hội và thử thách. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thực trạng ngành logistics trong bài viết này nhé!

Thực trạng ngành Logistics thế giới

 Những tiến bộ trong công nghệ cùng với nhận thức ngày càng cao về những lợi ích mà các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng mang lại cho các doanh nghiệp Logistics và Vận tải là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường. Cùng với đó là sự bùng nổ của xu hướng phân phối đa kênh, đặc biệt là trong thương mại điện tử, tạo tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường logistics toàn cầu nói chung.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành logistics cũng gặp phải những cản lực lớn, trong đó phải kể đến một hậu quả nghiệm trọng từ đại dịch Covid-19: sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến ngành logistics đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và đang phải vật lộn để phục hồi.

Đại dịch là nguyên nhân của những thay đổi về khả năng tiếp cận và chi phí đối với các container chở hàng; sự gia tăng bất thường trong giá vận chuyển; tắc nghẽn các container trong bãi cảng; sự thiếu hụt các tài xế xe tải; và các hạn chế về khả năng lưu kho hàng hóa…Những hạn chế của hệ thống sản xuất tức thời (JIT) và lỗ hổng trong chiến lược tìm kiếm nguồn cung ứng cũng qua đó mà bộc lộ.

Ngành logistics toàn cầu đối diện những cản lực lớn trong những năm gần đây

Ảnh: Ngành logistics toàn cầu đối diện những cản lực lớn trong những năm gần đây.

 

Nhưng cũng chính đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh những yếu tố then chốt trong điều chỉnh cấu trúc chuỗi cung ứng, cách vận hành logistics, đặc biệt là tốc độ số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Và, dù đại dịch gây ra sự suy giảm về kinh tế, tình trạng này không ảnh hưởng quá tiêu cực đến ngành logistics toàn cầu. Theo số liệu mới nhất, kim ngạch thương mại toàn cầu đạt quy mô kỷ lục 5.600 tỷ USD trong quý III/2021. Tính chung cả năm 2021, thương mại toàn cầu bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng 23% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Thực trạng ngành Logistics tại Việt Nam

Trong tình hình chung của ngành logistics toàn cầu, ngành Logistics tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Bên cạnh những khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp logistics trong nước cũng gặp phải các vấn đề như chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực, hạ tầng giao thông chậm phát triển, chưa tương xứng với lợi thế địa lý, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và nhất quán, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Tham gia khảo sát gần đây của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), khoảng 2/3 doanh nghiệp cho biết việc hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có vùng dịch…đã gây ra nhiều khó khăn. Thêm nữa, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể.

Tuy nhiên nước ta vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu tương đối ổn định. Theo số liệu từ Cục Hàng hải, trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành logistics do Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2021 cũng cho thấy, 80% số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với năm 2020.

Ngành Logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển

Ảnh: Ngành Logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành Logistics Việt Nam.  Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khó khăn từ đại dịch cũng tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành logistics. Cụ thể, vận tải biển gặp trở ngại khiến dịch vụ logistics vận tải hàng không và đường sắt được hưởng lợi từ nguồn hàng đường biển chuyển sang. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và đổi mới mô hình hoạt động với điểm sáng của hoạt động dịch vụ logistics bằng đường không.

Đại dịch Covid-19 chính là phép thử giúp ngành Logistics toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng nhận ra những hạn chế đã tồn tại trong một thời gian dài, từ đó tìm ra giải pháp đến khôi phục chuỗi cung ứng và phát triển bền vững.

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của lĩnh vực đầy tiềm năng này, trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM đang hợp tác đào tạo các chương trình Cử nhân liên kết quốc tế ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng cùng Đại học quốc gia Hàng hải và Hải dương và ngành Quản lý Cảng và Logistics cùng Đại học Tongmyong. Đây đều là những chương trình uy tín mang đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm du học với mức chi phí hợp lý nhiều suất học bổng giá trị.

Bài viết liên quan:

Tất tần tật thông tin ngành Logistics bạn cần biết trước khi chọn học