Em muốn học ngành Logistics của trường nhưng không biết đăng ký cái nào cả?

Trước đây cả nước chưa có ngành “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” thì trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tiên phong cả nước đào tạo lĩnh vực này, cụ thể là ngành Khai thác vận tải với chuyên ngành “Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức

Đến năm 2016, thì trường có đào tạo thêm chương trình chất lượng cao ngành Khai thác vận tải chuyên ngành “Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức” và liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế ngành “Quản lý Cảng và Logistics”.

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức bổ sung ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vào danh mục các ngành đào tạo. Từ đây, các trường tiến hành mở ngành “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” và trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng không ngoại lệ. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chuyển chuyên ngành “Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức” từ ngành Khai thác vận tải (chương trình đại trà) vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Chương trình Chất lượng cao vẫn giữ nguyễn như cũ. Sau khi chuyển chuyên ngành “Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức” ra khỏi ngành Khai thác vận tải thì trường mở đào tạo thêm chuyên ngành “Quản lý và kinh doanh vận tải” bổ sung vào ngành khai thác vận tải đại trà.

Đến năm 2021 trường mở thêm chuyên ngành “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” bổ sung vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (đại trà) và mở mới liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế ngành “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng”.

Như vậy, năm 2021 trường tuyển sinh các ngành Logistics như sau:

1. Chương trình đào tạo đại trà: Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 2 chuyên ngành

  • Chuyên ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức
  • Chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

2. Chương trình đào tạo chất lượng cao: Ngành Khai thác vận tải với chuyên ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức

3. Chương trình liên kết cấp bằng quốc tế có 2 ngành:

  • Ngành Quản lý Cảng và Logistics (Liên kết ĐH Tongmyong Hàn Quốc)
  • Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Liên kết ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc)

Điểm khác biệt giữa các chương trình được nêu trên:

  • Chương trình đào tạo đại trà: Là chương trình đầu tiên của cả nước đào tạo chuyên sâu về logistics và vận tải đa phương thức. Sinh viên ưu tiên chọn trường GTVT vì có lịch sử lâu năm trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông vận tải và tiên phong trong lĩnh vực logistics, được các doanh nghiệp đánh giá cao trong nghiệp vụ sau khi ra trường. Học phí của chương trình đại trà cực kỳ phù hợp với số đông sinh viên của Việt Nam, dự trù khoảng 11 triệu/năm.
  • Chương trình đào tạo chất lượng cao: Năm 2016, trường bắt đầu chú trọng hơn trong khâu nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics và vận tải đa phương thức về mặt cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy, quy mô sinh viên trong 1 lớp phù hợp cho làm việc nhóm, thuyết trình và nâng cao vai trò của người học trong hoạt động đào tạo. Sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều thực tế thông qua các chương trình tham quan doanh nghiệp vận tải, cảng và logistics, thực tập chuyên đề, thực tập tốt nghiệp. Ngoài ra, việc giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh được coi như yêu cầu trong 1/3 số lượng học phần mà các bạn sinh viên học tập tại trường. Học phí của chương trình khá hợp lý trong khoảng 20 – 23 triệu/năm.
  • Chương trình liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế: Là chương trình do Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hợp tác cùng các Trường đại học nước ngoài đào tạo. Điểm nổi bật của chương trình là sinh viên được học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên trong và ngoài nước có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng đạt chuẩn quy định giảng dạy chương trình quốc tế. Ngoài ra, các bạn đều được tiếp cận môi trường học tập chuẩn quốc tế với cơ sở và trang thiết bị hiện đại. Sinh viên ưu tiên chương trình liên kết quốc tế còn vì lý do trải nghiệm 2 năm học cuối tại nước ngoài và bằng đại học có giá trị toàn cầu. Mức học phí tuy cao hơn chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao nhưng kết quả học tập hoàn toàn vượt mong đợi của sinh viên sau khi ra trường, xứng đáng với mức học phí bỏ ra (2 năm đầu tại Việt Nam: 59 triệu/năm, 2 năm cuối tại Hàn Quốc: 82/108 triệu/năm)

Như vậy, sinh viên có rất nhiều lựa chọn để học ngành học logistics rất tiềm năng tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Các vị trí việc làm sau tốt nghiệp tại các công ty trong nước và quốc tế rất đa dạng từ các công ty cung cấp dịch vụ như: Logistics, Vận tải, kho hàng, giao nhận, khai báo hải quan, khai thác cảng, hãng tàu cho đến các Doanh nghiệp sản xuất như: Phân tích dữ liệu, lập kế hoạch kinh doanh, Quản lý thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, quản trị Logistics doanh nghiệp, kinh doanh, sales, marketing lĩnh vực liên quan, xử lý hóa đơn, chứng từ hàng hóa nội địa và quốc tế, chăm sóc khách hàng, đàm phán cho đến bộ phận quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Mức lương thử việc trong ngành logistics hiện tại cũng rất hấp dẫn khoảng 10-20 triệu đồng tùy vào trị trí và tính chất công việc. Sau khi có kinh nghiệm, các em cũng có cơ hội được cất nhắc lên các vị trí cao hơn, đòi hỏi chuyên môn sâu và kỹ năng quản lý như Trưởng/phó nhóm, Trường/phó phòng, Quản lý chuyên sâu về Logistics và Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo công ty, … với mức thu nhập cao lên đến vài nghìn USD.

Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Thạc sĩ Bùi Thị Bích Liên – Giảng viên BM Quản trị Logistics và VTĐPT,
giảng viên chương trình Liên kết quốc tế Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh