EAEU sẽ nhập khẩu 10.000 tấn gạo của Việt Nam vào năm 2021

(IEC) Chiều ngày 16/12 Bộ công thương thông báo về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu gạo trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).

Theo Bộ Công Thương, thực hiện việc phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu; ngày 08/9/2020, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á – Âu (EEC) đã ban hành Quyết định số 110 về phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam cho từng nước thành viên thuộc Liên minh Á – Âu trong năm 2021.

Cụ thể, mã HS 1006 30 6701 và 1006 30 9801 tập trung vào Cộng hoà Armenia là 400 tấn và Cộng hoà Belarus là 9.600 tấn.

Các nước như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan không có trong danh sách hạn ngạch này. Con số này không lớn so với xuất khẩu gạo đạt mức 4,61 triệu tấn trong tám tháng đầu năm 2020 sang 150 thị trường và khu vực. Trong số các nước nhập khẩu gạo Việt Nam, nhiều nhất vẫn là thị trường châu Á (trên 60%), châu Phi (19%) và châu Âu chỉ 2%.

Còn theo cam kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), phía EU dành cho Việt Nam mức hạn ngạch 80.000 tấn/năm miễn thuế (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.

Vì vậy, Hiệp định EVFTA được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản. Cùng với EAEU, EVFTA sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các nước châu Âu trong và ngoài EU

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á – Âu đạt 10,4 tỉ USD, tăng 20,78% so với năm 2018, chiếm 2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,43%, đạt 7,2 tỉ USD.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EAEU còn rất khiêm tốn, mới chiếm 0,5% thị phần so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.400 tỉ USD của các nước trong khu vực, cho thấy dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.

Với dân số trên 180 triệu người, chiếm gần 20% diện tích đất liền thế giới với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam, Liên minh Liên minh Kinh tế Á – Âu là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản, dệt may, giày dép… của Việt Nam, cũng như là nguồn cung cấp máy móc thiết bị, hóa chất, các sản phẩm công nghệ sinh học, năng lượng giá thành thấp, chất lượng cao cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đứng khoảng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU và đứng khoảng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang EAEU.

Nguồn: Tạp chí Doanh nhân