Phòng chống COVID-19: “Không để đứt gãy kinh tế – xã hội!”

Thoát tăng trưởng âm

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ta 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Ngành lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; Ngành thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

Riêng ngành công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, đạt mức tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011 – 2020, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 0,11% và 2,41% của 6 tháng đầu năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng góp 0,28 điểm phần trăm…

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 – 2020. Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,46 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 3%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,7%, làm giảm 0,95 điểm phần trăm…

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tháng 7/2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% (so cùng kỳ năm trước), nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.

Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam thoát tăng trưởng âm, nhưng chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng. Thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia – sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

Chống dịch và đẩy nhanh hồi phục kinh tế – xã hội

Ngoài ra, tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%. Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 03/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đất nước, nhưng tình hình phát triển kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, đáng kể nhất là duy trì ổn định được nền tảng kinh tế vĩ mô; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”, không để đứt gãy nền kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, phải nỗ lực thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Đặc biệt là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ, triển khai có kết quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 đã đề ra tại Chỉ thị số 11, Nghị định số 41, Nghị quyết số 42 và số 84…

Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.

Bà Stefanie Stallmeister – Quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam

Nguồn: Vietnam Logistics Review

Link bài: http://vlr.vn/trong-nuoc/phong-chong-covid-19-khong-de-dut-gay-kinh-te-xa-hoi-6544.vlr