Tất tần tật các thông tin ngành Logistics bạn cần biết trước khi chọn học

  1. Ngành Logistics là gì?
  2. Học ngành Logistics ra trường làm gì?
  3. Các công việc phổ biến của ngành Logistics hiện nay?
  4. Các trường đào tạo ngành Logistics tốt?
  5. Bí quyết xin việc ngành Logistics?

Ngành Logistics là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất Logistics là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty Logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ.

Bên cạnh nghiệp vụ giao – nhận, ngành Logistics còn bao gồm những hoạt động khác như bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hỏng… Nếu làm tốt ở khâu Logistics này, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận cho công ty.

Học Logistics ra trường làm gì?

3 mảng chính trong ngành Logistics: kho bãi, vận chuyển và giao nhận. Cụ thể có các hoạt động khác nhau như:
– Dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu trữ hàng hóa;
– Dịch vụ bốc xếp và dỡ hàng hóa từ phương tiện vận chuyển như tàu, xe hoặc container…;
– Dịch vụ đại lý vận tải phụ trách làm thủ tục hải quan, lập kế hoạch vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa;
– Các dịch vụ liên quan đến vận tải bao gồm dịch vụ vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường ống;
– Các dịch vụ bổ trợ như tiếp nhận, lưu kho hàng hóa, quản lý thông tin liên quan đến quá trình vận chuyển và lưu kho, xử lý các vấn đề phát sinh như hàng bị lỗi, hàng hỏng, hàng quá hạn sử dụng, hàng bị khách trả lại, hàng tồn kho…;
– Các dịch vụ Logistics liên quan khác: dịch vụ bưu chính, dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ thương mại bán buôn/ bán lẻ….

Với những đặc điểm như trên, sinh viên ngành Logistics có sự lựa chọn công việc rất đa dạng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc cho các công ty dịch vụ Logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải, giao nhận… tại rất nhiều phòng ban phù hợp chuyên môn như dịch vụ khách hàng, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, kinh doanh quốc tế, marketing, khai thác, kế hoạch…

Các công việc phổ biến của ngành Logistics 

a) Kinh doanh
Kiến thức, kỹ năng cần có:
– Kiến thức cơ bản về bán hàng (sales), hàng hải…;
– Kỹ năng: xử lý tình huống, giao tiếp tốt, kiên nhẫn và tinh tế.

Công việc cụ thể:
– Nhân viên kinh doanh cung cấp các thông tin cần thiết và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty;
– Duy trì lượng khách hàng vốn có bằng cách giữ liên lạc thường xuyên, cập nhật chính sách, ưu đãi mới…;
– Mở rộng tập khách hàng bằng cách quảng bá dịch vụ, chăm sóc khách hàng mới;
– Phụ trách hỗ trợ, giám sát khi có vấn đề phát sinh để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất tới tay khách hàng.

b) Xử lý chứng từ
Kiến thức, kỹ năng cần có:
– Kiến thức chuyên môn liên quan đến thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh;
– Kỹ năng: ngoại ngữ tốt, thành thạo tin học văn phòng, giao tiếp và xử lý tình huống linh hoạt, tỉ mỉ và có trách nhiệm.

Công việc cụ thể:
– Soạn thảo, xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu: hợp đồng, vận đơn, hóa đơn, lệnh giao hàng, giấy báo hàng đến…;
– Chuẩn bị bộ chứng từ khai hải quan, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng, các công văn, tờ trình cho các bên liên quan…;
– Liên hệ với khách hàng, phối hợp với bộ phận hiện trường làm thủ tục thông quan hàng hóa;
– Lưu trữ hồ sơ, chứng từ.

c) Khai thác Cảng
Kiến thức, kỹ năng cần có:
– Kiến thức chuyên môn về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, quy trình vận hành máy móc, thiết bị bốc dỡ…;
– Kỹ năng: giao tiếp tiếng Anh tốt, thành thạo tin học văn phòng, nhiệt tình, cẩn thận, trách nhiệm, thái độ làm việc, triển khai công việc tốt… .

Công việc cụ thể:
– Kiểm tra an toàn lao động, công cụ xếp dỡ trước khi làm hàng, kiểm soát các thiết bị, băng tải trong quá trình vận hành;
– Bố trí tàu ra vào hợp lý;
– Điều động phương tiện, công nhân bốc xếp;
– Lập biên bản khi có sự cố xảy ra.

d) Quản lý thu mua
Kiến thức, kỹ năng cần có:
– Kiến thức thực tế về thông tin và giá cả của hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường
– Kỹ năng: quản lý tài chính, hiểu biết cơ bản về thị trường, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, sự sáng tạo, khả năng duy trì các mối quan hệ…

Công việc cụ thể:
– Lập kế hoạch, lên danh sách ưu tiên cho các hoạt động thu mua, làm việc trực tiếp với phòng kế hoạch và sản xuất
– Đánh giá kế hoạch đặt hàng, đưa ra yêu cầu và quản lý quá trình mua hàng
– Cung cấp thông tin, văn bản cần thiết cho nhà cung cấp
– Theo dõi tình trạng đơn hàng, ứng phó kịp thời với các sự cố
– Theo dõi đơn đặt hàng, xác nhận thời gian sản xuất, thời điểm giao hàng, chi phí
– Đánh giá, cập nhật, duy trì các đơn đặt hàng cho đến lúc kết thúc
– Đảm bảo đơn đặt hàng tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng

e) Quản lý giao nhận
Kiến thức, kỹ năng cần có:
– Kiến thức cơ bản về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh…
– Kỹ năng: nhanh nhẹn, xử lý tình huống tốt, thận trọng, tỉ mỉ, sự kiên nhẫn và khả năng chịu áp lực cao…

Công việc cụ thể:
– Tiếp nhận và xử lý thông tin của các lô hàng
– Lấy D/O, giấy ủy quyền tại hãng tàu, đại lý
– Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng để đưa ra giải pháp tối ưu
– Thu xếp, điều động phương tiện hỗ trợ việc vận chuyển
– Phối hợp với các bộ phận có liên quan để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất
– Theo dõi tiến độ giao hàng

f) Hiện trường
Kiến thức, kỹ năng cần có
– Kiến thức cơ bản về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh, có kinh nghiệm trong việc thông quan hàng hóa 
– Kỹ năng: giao tiếp tiếng Anh tốt, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống tốt, làm việc nhóm cũng như độc lập tốt, biết cách quản lý thời gian, công việc khoa học…

Công việc cụ thể
– Khai báo cho hải quan tại cảng
– Theo dõi quá trình đóng, xếp hàng trực tiếp tại kho
– Phối hợp với các bộ phận khác để tiếp nhận chứng từ và giao hàng cho khách hàng đúng thời hạn thỏa thuận
– Báo cáo chi tiết công việc cho phụ trách bộ phận và ban giám đốc

g) Hải quan
Kiến thức, kỹ năng cần có
– Kiến thức chuyên môn về ngành vận tải, tài chính hải quan, nghiệp vụ ngoại thương …
– Kỹ năng: giao tiếp tiếng Anh tốt, khả năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc tốt, tỉ mỉ, chính xác, có trách nhiệm, thành thạo tin học văn phòng …

Công việc cụ thể
– Kiểm tra giấy tờ xuất nhập khẩu, đảm bảo hợp lệ, đúng pháp luật
– Kiểm tra, phân luồng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa là hợp pháp
– Thực hiện các hoạt động khai báo với hải quan thông qua phần mềm
– Hướng dẫn nhân viên hiện trường làm thủ tục cần thiết để thông quan hàng hóa

h) Thanh toán quốc tế
Kiến thức, kỹ năng cần có
– Chuyên môn về các ngành liên quan như tài chính, ngân hàng, kế toán, kinh tế, nghiệp vụ ngoại thương…
– Kỹ năng: thành thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), chịu được áp lực cao, có trách nhiệm, kỷ luật, thành thạo tin học văn phòng…

Công việc cụ thể
– Tiếp nhận chứng từ, cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế như chuyển tiền, phát hành L/C…
– Kiểm tra tính pháp lý của giấy tờ, hồ sơ của khách hàng, đảm bảo đúng mẫu, đúng quy định luật pháp
– Tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng trong phạm vi giao dịch
– Hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ cần thiết để thanh toán
– Lưu giữ sổ sách, tài liệu, hồ sơ về công tác kế toán thao quy định ngân hàng

i) Chăm sóc khách hàng
Kiến thức, kỹ năng cần có
– Chuyên môn trong các lĩnh vực kinh doanh quốc tế, vận tải quốc tế
– Kỹ năng: Giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, tự tin, khả năng tổ chức công việc tốt, nắm bắt các cơ hội tạo lập quan hệ với khách hàng…

Công việc cụ thể
– Cung cấp các tài liệu cần thiết cho khách hàng
– Xử lý yêu cầu của khách hàng nhanh chóng, hiệu quả
– Thông báo về tình trạng hàng hóa trên đường vận chuyển cho khách hàng
– Theo dõi các đơn đặt hàng lớn, giải quyết yêu cầu khách hàng kịp thời
–  Lưu giữ thông tin, tăng cường các mối quan hệ với khách hàng

Các trường đào tạo Logistics hàng đầu hiện Việt Nam

– Đại học Ngoại thương (cả 3 cơ sở: Hà Nội, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh)
– Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải)
– Đại học Hàng hải Việt Nam
– Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
– Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam
– Đại học Giao thông vận tải (Bộ Giáo dục và Đào tạo)
– Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
– Học viện Tài chính (Khoa Thuế – Hải quan)
– Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP. Hồ Chí Minh
– Cao đẳng Công thương TP. HCM

Ngoài ra nếu bạn có điều kiện du học ở nước ngoài, hãy chọn những nước có nền Logistics phát triển trên thế giới như: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhất để áp dụng vào công việc ngành Logistics sau này.

Bí quyết xin việc ngành Logistics

Nhu cầu việc làm của ngành Logistics là rất lớn, rộng mở cơ hội việc làm

Ngành Logistics đóng góp khoảng trên 21% GDP của Việt Nam nhưng có một con số rất đáng báo động là mỗi năm thiếu khoảng 7000 nhân sự. Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu nhân sự trình độ cao để theo kịp với sự phát triển của ngành vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics (chưa kể doanh nghiệp sản xuất, liên quan đến Logistics thì con số này lên đến 25.000. Dự báo đến năm 2030 sẽ cần 200.000 nhân sự Logistics để phục vụ sự phát triển của ngành. Như vậy trong tương lai, thị trường lao động ngành Logistics sẽ rất sôi động.

Các kênh thông tin về ngành cần theo dõi: Tự trau dồi kiến thức và kỹ năng bằng cách nào? Trước hết bạn có thể tham gia các diễn đàn, website trên internet để học hỏi kinh nghiệm cũng như cập nhật thông tin, những đổi mới của ngành như Logistics4vn, trang web của các hãng tàu, công ty dịch vụ Logistics… Trên facebook thì có các fanpage Cộng đồng Logistics Việt Nam, Logistics Vietnam… và group LOGISTICS VIETNAM, Cộng đồng xuất nhập khẩu – Logistics… Và tất nhiên cũng đừng quên cập nhật trang đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp mỗi ngày như: https://www.topcv.vn/tim-viec-lam-logistics để không bỏ lỡ các cơ hội việc làm thích hợp nhé.

CV xin việc: Trong bộ hồ sơ xin việc ngành Logistics thì một bản CV ấn tượng, chuyên nghiệp là điều không thể thiếu. Nhà tuyển dụng có thể đánh trượt bạn bất cứ lúc nào nếu bạn không biết cách trình bày một CV khoa học, súc tích mà vẫn đầy đủ năng lực. Bạn có thể tham khảo cách viết CV xin việc ngành xuất nhập khẩu, Logistics để tự hoàn thiện CV của bản thân.

Bạn muốn học ngành Logistics chương trình chuẩn quốc tế và học 100% Tiếng Anh xem tại đây.

Nguồn tổng hợp và Trang web topcv.vn