Dịch vụ đột phá trong chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam

Đây là một dịch vụ đột phá trong điều kiện khó khăn hiện nay. 

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, tổ chức ở Hà Nội ngày 26/11/2020, với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, Nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có bài trinh bày về “Các biện pháp giảm chi phí Dịch vụ logistics, Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Trong đó có đề nghị biện pháp về phát triển vận tải hàng hóa bằng đường không, mở các tuyến bay chuyên chở hàng hóa quốc tế trực tiếp. Đề nghị này đã được đánh gia cao về tính khả thi của nó.

Đề nghị của VLA cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7709/VPCP-CN, ngày 15/9/2020 của Văn Phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông vận tải về việc nghiên cứu “có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phâm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.

Hiện nay nước ta có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu nông, thủy sản. Năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỷ USD.Vận chuyển hàng hóa bằng đường không của Việt Nam chiếm một tỷ lê khoảng 0,2% tổng khối lương, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do hàng có giá trị cao. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tuy nhiên, do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ nên việc vận chuyển bằng đường không là một giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Các hãng hàng không Việt Nam mặc dù đang trong quá trình phát triển nhưng quy mô còn nhỏ so với các hãng trên thế giới và trong khu vực. Vận chuyển hàng hóa hàng không chủ yếu tập trung khai thác bụng máy bay hành khách mà chưa có đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa (freighter). Vì vậy, để phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt. Qua đó sẽ góp phần cắt giảm chi phí logistics.

Xuất phát từ tình hình trên đây, một số doanh nghiệp Hội viên hàng đầu của VLA đã tiến hành thành lập ASEAN CARGO GATEWAY JOINT STOCK COMPANY (ACG), trong tháng 10/2020, có địa chỉ tại 6th Fl Me Linh Point Tower, No. 2 Ngo Duc Ke Street, Ben Nghe Ward, District 1, Ho Chi Minh City, Vietnam. ACG là một công ty dịch vụ hàng không, cung cấp tải, ban đầu khai thác dịch vụ thu gom hàng để chuyên chở bằng máy bay thuê đi và đến Việt Nam, trên tuyến Sài Gòn- Narita-Saigòn (SGN-NRT-SGN) bằng tầu bay A321CEO (gỡ bỏ ghế ngồi).

Tải trọng thương mại hàng hóa (cargo capacity): Khoảng 6.000kg trên khoang hàng (compartments), khoảng 9.000kg trở lên chất trên khoang hành khách (pasenger carbin). Khối lượng hàng hóa (cargo volume): khoảng 36 CBM trên khoang hàng và khoảng 55-65 CBM trên khoang hành khách.

Dự kiến lịch trình bay: TP Ho Chi Minh (SGN) – Tokyo Narita (NRT)- Xuất phát 23:40 giờ – Đến Narita 07:00 giờ. Tokyo Narita-Xuất phát 10:00 giờ – Đên TP Hồ Chí Minh 15:00 giờ. Bay vào các ngày trong tuần.

Giá bán cước dự kiến bán thấp hơn giá thị trường hiện tại khoảng 25%-30% chiều Nhật Bản – Việt Nam. Dự kiến bắt đầu bay vào đầu năm 2021.

Trên cơ sở khai thác thành công đường bay này, ACG sẽ khai thác các đường bay khác.

Đây là một dịch vụ đột phá trong điều kiện khó khăn hiện nay và cần có sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản, hải sản và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Chung tay, nhất định chúng ta sẽ thành công trong việc phục vụ xúc tiến thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản, giảm chi phi phí logistics.

Nguồn: Nguyễn Tương (VLA)