Ngành logistics là gì? Quản trị Logistics là gì?

Logistics là gì?

Ngành logistics là gì? Quản trị Logistics là gì?

Logistics là hoạt động quản lý dòng chảy vật chất, tài chính và thông tin từ điểm đầu vào đầu tiên đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhằm mục đích thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng hoặc mục tiêu của doanh nghiệp. Các tài nguyên cần được quản lý trong logistics có thể bao gồm vật chất như: Nguyên vật liệu, thức ăn, động vật, thiết bị hay chất lỏng; đồng thời logistics cũng quản lý các dòng chảy vô hình hơn, như là thông tin, tiền hoặc thời gian.

Trong kinh doanh, định nghĩa logistics là quy trình bao gồm việc tích hợp các hoạt động như: theo dõi dòng chảy thông tin, quản lý nguyên vật liệu, quản trị sản xuất, đóng gói, tồn kho, vận chuyển, kho hàng, và cả an ninh.

Còn trong lĩnh vực quân sự, logistics là việc quản lý hậu cần cho cả mặt trận, đồng thời cố gắng phá vỡ dòng cung ứng và hậu cần của đối phương, vì một khi trận chiến diễn ra quân đội nào vận chuyển tài nguyên kém và không được hỗ trợ bởi hậu phương vững chắc sẽ không tránh khỏi bại trận. Vì thế, Logistics quân sự luôn được quan tâm từ xưa đến nay, nhiệm vụ chính của các sĩ quan logistics là quản lý các khí tài sẽ được vận chuyển đến đâu, khi nào và như thế nào.

Quản trị logistics là gì?

Ngành logistics là gì? Quản trị Logistics là gì?

Ngoài ra, chúng ta cũng thường nghe đến “Ngành Quản trị Logistics”, vậy Quản trị logistics là gì?

Quản trị Logistics là hoạt động bao gồm quản lý vận chuyển đầu vào và đầu ra cho một tổ chức, sắp xếp đội xe, quản trị kho hàng, vật tư, hoàn tất đơn hàng, thiết kế mạng lưới Logistics, quản trị hàng tồn kho, dự đoán cung cầu, và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba. Tùy vào cách vận hành của từng của công ty, các chức năng của quản trị logistics có thể bao gồm thêm dịch vụ khách hàng, thu mua và lên kế hoạch sản xuất. Quản trị Logistics nằm trong mọi hoạt động của công ty từ cấp Chiến lược cho đến cấp Quản lý và ngay cả trong Thực thi. Trong một doanh nghiệp, phòng ban Logistics sẽ làm việc trực tiếp với nhiều phòng ban khác, như: marketing, sales, tài chính, và công nghệ thông tin.

Trong quản trị Logistics, các quyết định sai lầm thường dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có. Chẳng hạn, giao hàng trễ do tính toán sai quãng đường sẽ làm giảm độ hài lòng của khách hàng. Hư hỏng hàng hóa do quản trị sản xuất và đóng gói sẽ dẫn đến tổn thất cho công ty. Nhìn chung, việc quản trị Logistics yếu kém sẽ dẫn đến phát sinh nhiều chi phí cho công ty. Vì thế, các tổ chức luôn tìm kiếm đội ngũ quản lý logistics chất lượng cao, với kiến thức được đào tạo bài bản, kỹ năng chuyên sâu, và quan trọng là khả năng ngoại ngữ tốt để có thể học hỏi và áp dụng các mô hình Logistics thành công từ nước ngoài về để quản lý và tối ưu hóa cho công ty mình.

Logistics trong thời buổi kinh tế hiện nay

Ngành logistics là gì? Quản trị Logistics là gì?

Định nghĩa được nhiều doanh nghiệp sử dụng khi giải thích về logistics là: “việc có được sản phẩm phù hợp với số lượng phù hợp ở thời điểm phù hợp, tại vị trí phù hợp, với giá phù hợp và cho người phù hợp”. Trong kinh tế, logistics có mặt ở tất cả ngành nghề nhằm mục đích quản lý và đem lại sự tối ưu, và từ đó người ta có thêm một khái niệm là Logistics trong doanh nghiệp.

Khái niệm “Logistics” trong doanh nghiệp đã được sử dụng từ những năm 1960, do sự gia tăng phức tạp của quản lý vật tư, và yêu cầu vận chuyển hàng hóa phải phù hợp với một mạng lưới vận tải toàn cầu, các “Chuyên gia Logistics” từ đó trở thành một nghề không thể thiếu.

Ngày nay, logistics trong doanh nghiệp có thể được tập trung làm 2 mảng chính, Logistics nội bộ (tối ưu hóa các hoạt động trong doanh nghiệp) và Logistics bên ngoài, bao gồm việc quản lý dòng chảy nguyên vật liệu từ điểm đầu tiên đến điểm cuối cùng. Nhiệm vụ chính của Logistics hiện nay bao gồm việc quản trị tồn kho, thu mua, vận tải, kho bãi, tư vấn và quản lý. Chuyên gia Logistics là người quản lý việc sử dụng nguồn lực của công ty để đem lại một kết quả tối ưu.